Tin bão mới nhất của Bloomberg cho hay, mùa bão ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương trong năm nay dự kiến thấp hơn khoảng 20% so với mức bình thường.
Dự báo bão này được nêu trong bản dự báo đầu tiên cho mùa bão tây bắc Thái Bình Dương của Tropical Storm Risk.
Tổ chức dự báo bão có trụ sở tại London, Vương quốc Anh dự kiến có 25 cơn bão nhiệt đới, 15 trong số đó được dự đoán mạnh lên thành bão cuồng phong và 7 cơn bão dữ dội trong mùa bão ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương, gần Biển Đông, năm 2024.
Các nhà dự báo bão nhận định, việc Thái Bình Dương chuyển sang hiện tượng La Nina yếu hoặc trung bình sẽ dẫn tới gió mậu dịch phía đông mạnh hơn làm suy yếu các cơn bão nhiệt đới.
Trong khi đó, việc chuyển từ El Nino sang mô hình thời tiết La Nina được dự báo khiến mùa bão Đại Tây Dương bận rộn hơn.
Việc dự báo mùa bão ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương thấp hơn khoảng 20% so với tiêu chuẩn khí hậu giai đoạn 1991-2020 xảy ra sau mùa bão dưới mức trung bình xảy ra năm 2023.
Tuy nhiên, mùa bão năm 2023 cũng ghi nhận những cơn bão mạnh như bão Doksuri, tàn phá nhiều vùng của Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.
Bão cũng góp phần gây ra lượng mưa kỷ lục ở Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng 9, làm ngập đường phố và ga tàu điện ngầm, khiến trung tâm tài chính này rơi vào tình trạng tê liệt.
Tin bão mới nhất của trang artemis.bm lưu ý, chỉ số năng lượng lốc xoáy tích lũy (ACE) trong mùa bão tây bắc Thái Bình Dương năm nay sẽ đạt mức 225.
Tropical Storm Risk nhận định, có 66% khả năng chỉ số ACE sẽ nằm ở ngưỡng dưới 259, 24% khả năng chỉ số ACE ở mức từ 259-328 và chỉ có xác suất 10% là chỉ số ACE trên 328 trong năm nay.
Đơn vị dự báo bão này giải thích, dự báo mùa bão tây bắc Thái Bình Dương năm 2024 hoạt động kém hơn là do các nhà dự báo bão tại cơ quan này nhận định La Nina sẽ phát triển trong mùa hè và kéo dài đến mùa thu.
“Các điều kiện La Nina ngăn cản hoạt động của bão thông qua độ đứt gió theo phương thẳng đứng tăng lên cùng với đó là gió mậu dịch tăng cường dẫn đến giảm gió xoáy trên lưu vực tây bắc Thái Bình Dương” – Tropical Storm Risk nêu trong dự báo mới nhất.
Mùa bão tây bắc Thái Bình Dương về mặt địa lý bao gồm các cơn bão nhiệt đới đe dọa khu vực từ Philippines đến Nhật Bản, cũng như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Các cơn bão ở khu vực này được coi là vùng nguy hiểm cao điểm đối với thị trường tái bảo hiểm, trái phiếu thảm họa và các thị trường chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) khác. Đặc biệt, bão Nhật Bản là mối nguy hiểm cao nhất cần lưu ý.
Dự báo bão theo mùa Tropical Storm Risk ở tây bắc Thái Bình Dương được thực hiện từ năm 2000 do Giáo sư Mark Saunders tại University College London khởi xướng thực hiện với nguồn tài trợ từ ngành bảo hiểm Vương quốc Anh. Giáo sư Saunders dẫn dắt các dự báo cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 4.2022.
Những đóng góp đáng chú ý cho dự báo bão theo mùa Tropical Storm Risk được Tiến sĩ Paul Rockett, Frank Roberts và Tiến sĩ Adam Lea (đều là cộng sự trước đây của Giáo sư Saunders) tiếp nối.
(NLĐO) – Năm 2024 dự báo có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn bão, áp thấp ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng
tính cực đoan của thiên tai
Sáng 10-5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ghi nhận rét đậm, rét hại liên tiếp. Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng; sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Cà Mau. Các loại hình thiên tai xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay đã khiến 14 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 399 tỉ đồng.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C. Riêng trong tháng 4-2024 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C.
110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28-4 đo được là 44 độ C – đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng 4.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, phát biểu tại cuộc họp
Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25-50%.
Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ.
Theo ông Cường, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá. Mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.
Khu vực Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung, giai đoạn từ ngày 12 đến 31-5 có khả năng xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ 11 đến 16-5 có thể xuất hiện 1 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C. Giai đoạn nửa cuối tháng 5-2024 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa chuyển mùa, nắng nóng sẽ giảm dần.
Từ tháng 6 đến hết năm 2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7, tháng 8-2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8-2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận..
“Năm 2024 dự báo có khoảng 11 đến 13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung vào cuối mùa bão – từ tháng 9 đến 11-2024” – ông Hoàng Đức Cường cho hay.