CN. Th9 15th, 2024

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề nghị cần có quy định tài khoản mạng xã hội đã được định danh mới được bình luận nhằm chống tin giả, xấu độc.

Nội dung được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, nêu trong phiên chất vấn tại cuộc họp lần thứ 17 HĐND TP HCM sáng 17/6 khi trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tin giả, xấu độc trên mạng.

Ông Lâm Đình Thắng trả lời chất vấn sáng 16/7. Ảnh: An Phương

Ông Lâm Đình Thắng trả lời chất vấn sáng 16/7. Ảnh: An Phương

Theo lãnh đạo Sở, quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa đảm bảo pháp lý, do đó sẽ kiến nghị thay đổi. TP HCM đề xuất theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, sau khi định danh mới được bình luận. Các tài khoản xuyên biên giới cũng phải chấp hành pháp luật Việt Nam.

Định danh tài khoản mạng xã hội là quá trình xác minh danh tính của người dùng trên nền tảng số. Chủ sở hữu tài khoản sẽ phải cung cấp thông tin của bản thân, như tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình.

Trong dự thảo thay thế Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất tài khoản cần xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội. Theo đó, mạng xã hội, gồm cả trong nước và xuyên biên giới, phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết, thời gian qua, tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng. Ngoài ra, nhiều thông tin còn tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội.

Tương tự, thượng tọa Thích Minh Thành hỏi Sở Thông tin và Truyền thông có chương trình, dự án nào nhằm nâng cao năng lực nhận diện thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông hay không. Theo ông Thắng, thông tin trên mạng chủ yếu từ hai nguồn, gồm các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và các trang thông tin không rõ nguồn gốc, dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Tin giả, tin sai lệch chủ yếu lan truyền qua mạng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok – những kênh được người Việt Nam sử dụng nhiều.

Theo ông Thắng, với đơn vị được quản lý nếu có sai phạm, cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh, xử lý. Tuy nhiên, xử lý tin giả trên mạng xã hội xuyên biên giới còn nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng xem livestream bán hàng qua mạng xã hội. Ảnh: Thành Nguyễn

Người tiêu dùng xem livestream bán hàng qua mạng xã hội. Ảnh: Thành Nguyễn

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng doanh nghiệp quản lý mạng xã hội xuyên biên giới chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Khi vi phạm và bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ, đa phần doanh nghiệp tìm cách né tránh.

Để xử lý, thời gian qua, ngoài phối hợp với cơ quan chức năng, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng tuyên truyền hai bộ quy tắc và cẩm nang đến người dân gồm quy tắc ứng xử trên không gian mạng và cẩm nang phòng, chống tin giả.

Bên cạnh đó, hệ thống Lắng nghe mạng xã hội cũng phát hiện được những trang thông tin điện tử thay đổi thông tin, nguồn gốc hoặc có hành vi vi phạm trên mạng.

Đơn vị đã phối hợp với Công an TP HCM giám định tư pháp những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự. Năm 2023, Sở chuyển 24 hồ sơ và từ đầu năm đến nay là 18 hồ sơ vi phạm trên không gian mạng sang cơ quan chức năng để xử lý. Sở cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 30 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết cũng đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả của TP HCM, đặt tại Trung tâm Báo chí thành phố để phối hợp với các bên giảm thiểu tin xấu, độc. Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng cơ quan chức năng ở các ngành, địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm trong việc phát ngôn, phản bác tin giả, tin sai lệch.

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *