Cụ thể, 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20); 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 2 – Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt; nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.Bão số 3 gây mất điện diện rộng tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Trước đó, công tác chỉ đạo ứng phó với bão đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão. Cùng với đó là các công điện chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu…
Đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, tp từ Quảng Ninh – Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển; đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 23.581 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.743 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Đồng thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình (31 trọng điểm) nhất là các tuyến đê tại Quảng Ninh, Hải Phòng (12 trọng điểm), có phương án chống tràn cho các tuyến đê, hồ thủy lợi…
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các địa phương vẫn duy trì nghiêm lệnh cấm biển. Kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.
Kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20h ngày 7/9, khu vực Hà Nội đến 22h ngày 7/9.
Đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan; khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,…
Đối với miền núi phía Bắc: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn…; đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du…
Tại Hà Nội, theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính từ chiều 6/9 đến chiều 7/9, đã có 1 người chết và 6 người bị thương. Mưa to, gió lớn cũng gây thiệt hại về tài sản. Cụ thể: 1 xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách bị hư hỏng, 1 xe máy hư hỏng, 402 cây xanh bị gãy đổ, một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình. 3 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, 1 chuồng bò bị sập mái.
Trước diễn biến khó lường và nguy hiểm của bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội.