T6. Th4 26th, 2024

Những năm gần đây, ngôi mộ đôi ở ấp An Thanh, xã An Ngãi, huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bỗng trở thành chốn linh thiêng “cầu gì được nấy”, thu hút đông người tới đây cầu tình duyên, cầu tự và đông nhất là những người “cầu cơ, xin số” với hy vọng gặp may trúng số để đổi đời.

Ngôi mộ đôi

Theo một người dân nơi đây cho hay: “Mộ đôi là chứng tích của một tình yêu bất diệt, cho đến nay người dân địa phương ai cũng cảm kích về mối tình đó”. Đây là ngôi mộ linh thiêng và huyền bí, với biết bao câu chuyện hư hư, thực thực về việc “cầu gì được nấy” lan truyền trong dân gian.

Bà Lý Thành Chơn một người dân nhà ở gần khu ngôi mộ đôi

Bà Lý Chơn Thành, (Sinh năm 1945) người dân địa phương cho biết: “Mộ được lập vào năm 1977, khi đó vùng đất này còn rất hoang vu. Người dân đã trịnh trọng đặt vợ chồng người xấu số nơi núi cao, bên cạnh con suối Le uốn lượn. Theo thời gian và sức lao động của con người vùng hoang hóa xưa đang dần được cải tạo, suối Le vì thế cũng đã được vùi lấp. Thế nhưng, riêng ngôi “mộ đôi” thì lại không hề có sự thay đổi nào. Khác chăng là việc nếu ngày trước người ta phải băng rừng mới vào được mộ, thì bây giờ con đường dẫn lên đó được bê tông hóa khang trang hẳn lên”.

Qua tìm hiểu cho thấy, vào năm 1977 vùng đất này hết sức hoang vu, heo hút nên dân cư sinh sống rất thưa thớt. Trong địa phương chỉ có vỏn vẹn từ 5 cho tới 7 cái nóc nhà tranh xập xệ. Bà con đi rừng săn bắn, trồng trọt sống quây quần bên nhau. Một ngày giữa năm đó, người dân thấy xuất hiện một đôi tình nhân trẻ người Sài Gòn, khăn gói thất thểu đi về hướng suối Le. Hai người họ tuổi chỉ vừa mười tám đôi mươi, rất đẹp đôi.

Ban đầu, cặp tình nhân xin ở nhờ nhà một người dân. Sau đó, họ kể rằng mình là vợ chồng mới cưới muốn tìm vùng đất mới lập nghiệp. Chàng trai và cô gái ngỏ ý nhờ bà con hỗ trợ cất cho mình chòi tranh tạm bợ làm chỗ che nắng mưa, sống tạm qua ngày.

Chàng trai cùng những người đàn ông khác trong ấp hì hục đốn cây rừng, dựng căn nhà tranh vách đất, cuộc sống của hai vợ chồng nhanh chóng hòa đồng với mọi người dân xung quanh. Có một điều ngạc nhiên, hơn nửa năm sống ở địa phương nhưng người dân chưa thấy có ai là thân nhân đến chơi và hỏi thăm.

Thế rồi một bi kịch đã xảy xa, đó là một ngày đầu tháng 2/1977 khi đó trời mưa nặng hạt, nhưng ngôi nhà tranh như chìm trong hoang lạnh, tĩnh mịch. Buổi chiều, những đứa trẻ chăn bò tìm đến ngôi nhà trú mưa. Nhưng ngôi nhà nhỏ đóng kín cửa, phía bên trong phát ra mùi hôi sồng sộc. Chúng bảo nhau nhìn qua khe sáng nhỏ. Ai nấy toàn thân lạnh toát, người run lẩy bẩy khi thấy cảnh tượng kinh hoàng cặp đôi cùng thắt cổ tự tử, đang treo lơ lửng giữa nhà. Người phụ nữ với mái tóc dài, xõa xuống che khuất cái bụng đang mang thai khi gần tới ngàysinh nở.

Sự việc nhanh chóng được báo cho nhiều người dân tại địa phương biết, lúc này có 5 người đàn ông vừa đi làm muối về nghe tin nên vội chạy sang. Nhưng nhìn vào cảnh tượng đó, tất cả ai cũng rùng mình không dám vào. Qua một hồi thững thờ, họ kéo nhau đi mua 10 lít rượu về vừa uống cho đỡ sợ, vừa tưới lên thi thể nạn nhân làm mất mùi hôi thối. Sau các nghi thức cúng tế, đôi tình nhân được quấn chiếu chung, chôn chung cùng mộ ngay phía sau nhà trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Trên bia mộ còn ghi rõ việc lấy ngày 3/2/1977 hàng năm làm ngày giỗ chung, cảm mến đôi trẻ người làng từ đó thay nhau hương khói cúng viếng họ. Cũng từ đó “mộ đôi” chiếm một phần trang trọng trong đời sống tâm linh người dân An Ngái.

Hiện nay, ngôi “mộ đôi” đã được người thân của chàng trai xây dựng lại khang trang hơn. Nơi đây cũng thường xuyên có một phụ nữ địa phương ngày nào cũng làm công quả ra dọn dẹp, người phụ nữ này theo lời đồn là được “mộ đôi” phù hộ cho may mắn trúng số nên đến đây trả nghĩa.

Sự linh thiêng của ngôi “mộ đôi” được truyền tụng bắt đầu từ việc người nhà kể chính cô gái đã về báo mộng việc mình chết, chỉ rõ địa điểm để gia đình xuống chăm sóc, tu bổ mộ phần. Hay chuyện: “Cách đây mấy năm có người đàn ông đi làm đường ngang qua đây, sẵn tiện có tờ vé số trong người ông dâng lên trên ngôi mộ rồi cầu được trúng vé số. Ai ngờ lời cầu đó đã giúp ông trúng số độc đắc, cũng từ đó người ta nườm nượp kéo về đây cầu xin tài lộc, một người dân địa phương cho biết.

Qua tìm hiểu, con đường bê tông khang trang dẫn lên “mộ đôi” hiện nay là được 2 nữ “đại gia” địa phương bỏ tiền làm từ thiện. Nghe đâu hai vị này trước vì nghèo khó vẫn thường đến Miếu Bà ( cách “mộ đôi” chưa đầy 50m -PV) và “mộ đôi” cầu khẩn tài lộc. Nhờ sự giúp đỡ của “mộ đôi”, Miếu Bà, họ được đổi đời bởi trúng số độc đắc. Họ làm đường như là nghĩa cử tri ân các vị thần được thờ trong Miếu bà, và gia đình nhỏ nơi “mộ đôi” cũng như giúp người dân có con đường mới lên nương rẫy. Kể từ ngày có con đường, tỷ lệ người lên “mộ đôi” cầu tài lộc tăng lên đột biến.

Trang Lương

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *