Gần một thế kỷ với nghề mổ trâu, bò, nay Phúc Lâm tất bật hơn khi thêm nghề mổ bò xuất ngoại. Theo tìm hiểu của PV, không ít người dân Phúc Lâm luôn ám ảnh bởi nỗi sợ trâu “báo oán”? Cùng với đó là những câu chuyện đồn thổi rùng rợn đến khó tin ám ảnh như một căn bệnh lạ khi gặp những điều không may trong cuộc sống. Thực tế mình như thế nào?
Cả làng khiếp sợ trâu “báo oán”(?!)
Khi có tuổi, một số người ở làng mổ trâu Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mới bắt đầu thấm cái nghiệp mổ trâu vận vào như thế nào. Nhiều sự việc trùng lặp đến khó tin nên sinh ra tâm lý bị ám ảnh một ngày nào đó họ sẽ bị trâu “báo oán” dẫn đến đổ bệnh, tai nạn chết người… Có nhiều lý do khiến những người cầm dao mổ trâu vô cùng khiếp sợ.
Làng Phúc Lâm từ lâu đã nổi tiếng khắp miền Bắc với nghề mổ trâu, bò và chính nghề này đã giúp người dân ăn nên làm ra, đời sống được cải thiện rõ rệt. Những ngôi nhà cao tầng, bề thế không thua gì nhà ở các khu đô thị sầm uất và tấp nập dần mọc lên, thể hiện một làng Phúc Lâm giàu có. Trước đây, làng vốn nằm cạnh ga Sen Hồ, một trong những trọng điểm bắn phá của quân Pháp và Mỹ. Bởi vậy, nhiều người đã phải bỏ xứ đi nơi khác. Mỗi người một phương và họ học được trăm thứ nghề. Cũng từ đó, làng Phúc Lâm có nghề mổ trâu, bò mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người, dần dần cả làng cùng theo nghề “đồ tể”.
Gần một thế kỷ qua, không ai đếm được người dân Phúc Lâm theo nghề và đã “tiễn” bao nhiêu trâu, bò “về giời”. Theo tìm hiểu của PV, trâu trong vùng dần cạn kiệt, bởi vậy, nhiều lò mổ ở Phúc Lâm nhận thêm bò ngoại nhập từ úc về xẻ thịt. Nhiều người bảo, nghề này bạc và ác lắm nhưng vì miếng cơm, manh áo, họ vẫn phải vung búa vào đầu biết bao con trâu, con bò. Có người, sau nhiều năm đã “gác đao” đoạn tuyệt với nghề bởi một nỗi ám ảnh trâu “báo oán”. Và những câu chuyện “trâu vật” được người dân thêu dệt khi có người gặp chuyện chẳng lành khiến người dân vô cùng khiếp sợ phải bỏ nghề và vào ngày Rằm, mùng Một lên chùa cầu Kinh, niệm Phật.
Đồn thổi những cái chết bất thình lình…
Qua cổng làng Phúc Lâm nằm ngay mặt quốc lộ là con đường bê tông với hai bên cống nước lộ thiên, nước chảy đen kịt lổn nhổn phân trâu, phân bò. Đi vào giữa làng, mùi cống rãnh, mùi phân trâu, phân bò bốc lên mỗi lúc một “đậm” khiến những người đi đường phát ói. Cả làng có khoảng hai chục lò mổ lớn, mỗi ngày giết mổ đến cả trăm con trâu, xả thải trực tiếp ra cống chung chảy ra các ao, hồ trong làng. Phúc Lâm có một khu xử lý nước thải nhưng từ lâu không hoạt động, vì thế mùi hôi thối bốc lên khắp nơi khiến không khí ngột ngạt đến khó thở. Bên cạnh đó, những bao tải xương trâu lớn chất đầy ruộng, ngâm dưới ao bốc lên mùi tử khí rợn người.
Bãi xương trâu bò bốc mùi nồng nặc.
Gặp ông K., một người từng nhiều năm vung vồ thép giết trâu hiện đã “gác vồ, buông dao” bởi theo ông thì nghề này bạc lắm. ông chia sẻ: “Ngẫm cho cùng, việc mổ trâu quả thực kinh hãi. Làm nghề từ những năm còn trẻ, đến lúc cuối đời, tôi đã quyết định đoạn tuyệt với nghề này càng sớm càng tốt. Trước đây vì cơm áo gạo tiền phải làm những điều không ai muốn, ngẫm mà tiếc. Không chỉ tôi mà nhiều người đã nhận ra, đoạn tuyệt với nghề. Có gia đình trước đây cả nhà theo nghiệp nay cũng chuyển hẳn sang nghề khác.
Một trong những câu chuyện bi thương nhất, chúng tôi được người làng kể về gia đình ông T.. Đó là những năm nghề mổ trâu phát đạt, ông T. là chủ lò mổ lớn ở làng. Đêm nào, nhà ông cũng “ra tay” với hơn chục con trâu lớn bé. Cả bốn người con trai của ông cùng làm công việc này. Hơn chục năm làm nghề giết mổ trâu đã có hàng ngàn con bị làm thịt tại lò mổ nhà ông. Năm đó, như thường lệ, chuyến xe chở trâu từ Hà Giang đỗ trước cửa lò mổ nhà ông T.. Lần lượt từng con trâu bị làm thịt, con cuối cùng, nhất định không chịu bước xuống thùng xe. Mấy bố con nhà ông T. phải trói trâu rồi vần xuống, khi cởi trói, con trâu không chịu đứng lên mà như quỳ xuống như van xin, nước mắt cứ ứa ra. Có người thấy con trâu có biểu hiện lạ đã ngăn không thịt, nhưng ông T. phủi tay, không tin vào chuyện nhảm nhí.
Hai tháng sau, một người con trai của ông bỗng nhiên lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói, anh này không theo nghề gia đình, được ăn học đến nơi, đến chốn, đang lập nghiệp và sinh sống ở nơi khác. Người ác mồm bảo “ác giả ác báo” trâu “báo oán” chứ có bệnh tật gì đâu. Anh ta đang ngồi xem ti vi trong nhà thì đột nhiên kêu mệt, vào giường ngủ đến nửa đêm lên cơn co giật rồi mất.
Nghe người làng đồn vậy, vợ ông T. rất hoang mang đã đi xem bói, “thầy” phán rằng, mảnh đất gia đình đang ở sát khí rất nặng và đang bị một oan hồn báo oán, rất có thể liên quan đến nghiệp sát sinh. Từ đó, vợ ông thường xuyên cúng bái, sắm sửa đủ các loại lễ. không ngại tốn kém và mời cả thầy cúng về giải hạn, giải thoát cho những linh hồn trâu đã bị gia đình sát hại. Chỉ một thời gian sau, một người con khác của ông T. đang khỏe mạnh, mổ trâu nhanh và giỏi bỗng nhiên đổ bệnh, ốm yếu. Gia đình đưa đi chữa khắp nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Chẳng bao lâu, anh này mất để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình. Dân làng biết chuyện lại đồn thổi, thêu dệt gia đình ông T. nghiệp chướng nên bị oan hồn con trâu “báo oán”…, khiến cả làng sợ hãi.
Không lâu sau, lại thêm một tin sét đánh, người con gái út của ông T. đang học ở Hà Nội, trên đường về thăm nhà, bất ngờ chiếc xe tải mất phanh đâm thẳng vào người chết ngay tại chỗ. Quá bàng hoàng và đau xót, gia đình ông T. đi làm lễ ở rất nhiều nơi, thậm chí làm cả lễ cầu siêu cho loài trâu, làm lễ giải hạn cho gia đình và bỏ ngay nghề giết mổ, đóng cửa lò mổ trâu.
Cơ sở giết mổ trâu bò.
Những lời đồn thổi cứ thế được thêu dệt, nhưng chuyện những con trâu khỏe mạnh bình thường khi dắt về làng bỗng nhiên tỏ ra sợ hãi, chảy nước mắt là chuyện có thật. Thậm chí, có nhiều con trâu vừa về đến cổng làng đã lồng lên như phát điên. Và, chuyện “sinh nghề tử nghiệp” ở làng “đồ tể” nếu kể thì nhiều vô kể, người bị trâu húc, nhẹ thì lòi ruột, nặng thì mất mạng. Như trường hợp của bà Ng. T.A., bị một con trâu núi khỏe mạnh húc mất mạng. Người ta đồn rằng, đại gia đình nhà bà A. làm nghề mổ trâu đã nhiều năm nên bị loài trâu “báo oán”.
Chỉ là hiệu ứng tâm lý
PGS. TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Về tâm linh, theo quan niệm của đạo Phật thì những người sát sinh, mổ trâu, mổ bò là làm điều ác. Còn, họ có bị trừng phạt hay không thì không ai chứng minh được. Về tâm lý thì nhiều người cho rằng, những sinh vật cũng có linh hồn nên có thể “báo oán” người sát hại. Đến khi người ta gặp điều không hay xảy ra, sẽ đổ lỗi cho việc mình làm. Đây chính là những hiệu ứng tâm lý, vô thức của đám đông trước những sự việc, hiện tượng chưa thể lý giải”.