Sáng 18.5, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 9 khóa XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc hội nghị.
Trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tại hội nghị, T.Ư đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. T.Ư đã nhất trí cao thông qua nghị quyết của Hội nghị T.Ư 9.
Theo Tổng Bí thư, T.Ư nhất trí về cơ bản với dự thảo đề cương các báo cáo và cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng đối với các đề xuất, kiến nghị của các tiểu ban. T.Ư yêu cầu các tiểu ban cần khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của hội nghị, hoàn thiện các đề cương, bảo đảm sự thống nhất giữa các báo cáo, nhất là về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu tổng quát; trên cơ sở đó sớm bắt tay xây dựng dự thảo các văn kiện theo kế hoạch đã đề ra; trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Đã hình thành lý luận đường lối đổi mới ở Việt Nam?
Tổng Bí thư khẳng định, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng đó, xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới, đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).
Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của T.Ư, tổng kết 40 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng thời, bám sát vào Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết T.Ư khóa XIII và thực tiễn của đất nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học toàn diện các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới, để từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.
“Phải chăng sau 40 năm đổi mới chúng ta đã thực sự hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam?”, Tổng Bí thư nói và lưu ý, trong nhiệm kỳ này, cần phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt 12 định hướng phát triển đất nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm như trong đề cương Báo cáo Chính trị đã nêu.
Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý, nên chăng, trong giai đoạn phát triển mới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII đề ra. Tuy nhiên cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn.
Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài; và xây dựng kết cấu hạ tầng cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, để thực sự tạo ra đột phá phát triển?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; làm rõ những nội dung đổi mới, những nhân tố mới tốt hơn, tích cực hơn của nhiệm kỳ khóa XIII so với các nhiệm kỳ trước.
Cùng đó, dự báo khả năng thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Rà soát thật kỹ để lựa chọn nhân sự
Về chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, T.Ư đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng vào tờ trình và dự thảo chỉ thị của Bộ Chính trị; tập trung thảo luận, phân tích, tạo sự đồng thuận cao những nội dung Bộ Chính trị xin ý kiến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là công việc hệ trọng, cần sớm được triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên.
Tổng Bí thư lưu ý, các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp ủy cấp mình.
Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những người thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.
T.Ư giao cho Bộ Chính trị, sau hội nghị này, khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội XIV của Đảng.