Vợ chồng tôi lấy nhau 14 năm nay, có 2 con, năm vừa rồi đã trả hết tiền nhà và cuối năm nay dự định mua xe nữa là xong. Trong gia đình, thu nhập của tôi để làm những việc lớn, còn tiền lương của vợ chi tiêu sinh hoạt.
Vấn đề kinh tế, con cái không còn phải lo lắng gì nữa, tôi chỉ thấy nhức đầu mỗi việc là vợ hay phàn nàn về công việc ở công ty. Năm nào cô ấy cũng muốn nghỉ làm bởi áp lực quá chịu không nổi.
Chẳng hạn như bị sếp ép nhiều việc, vợ về nhà than vãn nhiều ngày liền, tôi nghe cũng mệt mỏi vô cùng. Tôi cũng đi làm, cũng chịu áp lực tứ phía nhưng chỉ biết âm thầm chịu đựng rồi vượt qua, không muốn kể lể với vợ vì sợ cô ấy lo lắng.
Rồi những khi bị đồng nghiệp chơi xấu, vợ cay cú, không biết xử lý thế nào, lại về nhà trút hết bực dọc lên người chồng. Mỗi lần gặp rắc rối ở công ty thì vợ lại muốn chuyển việc.
Tôi chỉ biết ngồi động viên vợ, công ty nào cũng có những khó khăn, nếu vợ không vượt qua được thì đến chỗ làm khác mọi thứ phức tạp hơn thì phải làm sao. Nếu nhiều người có ác cảm với vợ thì chưa chắc những gì cô ấy làm đã đúng mà phải nhìn nhận lại mình. Tôi luôn khuyên vợ tự hoàn thiện bản thân để hòa nhập với mọi người xung quanh.
Ảnh minh họa
ADVERTISING
iTVC from Admicro
Hôm chủ nhật vừa rồi, nhà hàng xóm có đám cưới mời cả gia đình tôi tham dự. Khi thấy chị Nguyệt tặng con 1 cuốn sổ đỏ và 2 tỷ làm của hồi môn, vợ luôn miệng tấm tắc khen vợ chồng chị ấy giỏi giang, hằng ngày anh chị chỉ bán mỗi xôi lạc mà lắm tiền cho con đến thế.
Trở về nhà, vợ bàn với chồng là làm hết tháng này rồi xin nghỉ việc. Vợ nói vài lần ăn món xôi nhà chị Nguyệt, thấy dở hơn cô ấy nấu. Thế nên vợ tôi muốn bỏ công việc lương tháng 15 triệu để đi bán xôi.
Để vợ nói hết suy nghĩ của bản thân, tôi mới nhẹ nhàng phân tích cho cô ấy hiểu. Số của hồi môn kia, chắc gì chỉ là tiền bán xôi, có khi họ còn mối kinh doanh buôn bán hoặc thu nhập từ cái khác. Với lại mỗi người có duyên với một cái nghề, người mà nhiều năm gắn bó với văn phòng như vợ ra làm buôn bán chắc gì đã chịu đựng được.
Nghề của chị Nguyệt vất vả lắm, phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị xôi bán lúc 5h. Cả năm chỉ được nghỉ vài ngày Tết, còn lại phải làm hết các ngày. Những lúc ốm đau mệt mỏi vẫn phải bò dậy mà làm, bởi nghỉ lâu sợ mất khách. Mưa to thì phải nghỉ, còn mưa nhỏ thì vẫn phải mặc áo mưa, đẩy xe hàng đi bán. Khi gia đình có việc gì là không thể nghỉ được, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối với công việc.
Điều quan trọng nhất chị Nguyệt có nhưng vợ tôi không có là sự niềm nở tươi cười và biết chiều chuộng những vị khách khó tính. Tôi nói hết mọi lý lẽ, thế mà vợ vẫn quyết tâm đổi nghề và sẽ thay đổi bản thân để phù hợp với công việc bán xôi.
Vợ tôi không còn trẻ trung nữa, tôi sợ cô ấy suy nghĩ bồng bột, nổi hứng bỏ việc bán xôi thì rồi hỏng hết. Tôi nên khuyên bảo thế nào đây?